Không gian trưng bày các mặt hàng mỹ nghệ, đồ gia dụng từ bẹ chuối khô, giấy, lục bình, xơ dừa của anh Phong đặt tại phường 5, TP Sóc Trăng. Đây cũng là nơi chàng trai 37 tuổi gặp gỡ đối tác, những người có cùng đam mê với sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.
Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học năm 2008, Phong có 7 năm làm việc tại một bệnh viện lớn ở Cần Thơ, với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Dù công việc ổn định, nhưng đam mê kinh doanh, nhất là trong ngành truyền thống, khai thác nguyên liệu gần gũi với cộng đồng, luôn thôi thúc anh.
Anh Hứa Trần Phong kiểm tra sản phẩm gia dụng từ bẹ chuối khô. Ảnh: An Minh
Năm 2017, anh Phong quyết định nghỉ việc để tập trung làm sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng. Anh bắt đầu với vị trí quản lý sản xuất tại hợp tác xã làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Nhờ công việc này, anh Phong đã tích lũy kinh nghiệm, nắm bắt được thị trường cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Sau đó, anh lại chuyển hướng sang bán bẹ chuối khô nguyên liệu cho thị trường Trung Quốc.
Theo anh Phong, bẹ chuối tại miền Tây rất nhiều, song phần lớn người dân sau khi thu hoạch buồng chuối chưa tận dụng được phụ phẩm. Bẹ chuối sau khi phơi khô rất dai, có thể tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng không những bền mà còn đẹp.
Năm 2020, trong thời gian nghỉ dịch, anh Phong nghiên cứu làm máy se bẹ chuối khô thành sợi, nhằm giảm sức lao động. Sau gần một năm tập trung nghiên cứu, làm hỏng đến 5 chiếc máy, anh đã cho ra đời máy sản xuất bẹ chuối khô, công suất khoảng 15 kg dây thành phẩm mỗi ngày. Đây là bước tiến lớn giúp anh tự tin với ý tưởng làm sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng từ nguyên liệu này. "Xử lý được nguyên liệu quyết định 50% thành công khi làm sản phẩm hoàn thiện", anh nói.
Chậu làm từ bẹ chuối khô. Ảnh: An Minh
Có nguyên liệu chất lượng, anh tiếp tục nghiên cứu cách làm chậu kết từ bẹ chuối khô. Sau đó không lâu, hàng chục sản phẩm khác từ nguyên liệu này cũng được anh Phong đưa lên kệ hàng. Để phát triển mạnh sản phẩm thân thiện với môi trường, anh mạnh dạn thành lập công ty. Các mặt hàng được anh giới thiệu đến các đại lý, mạng xã hội. Tháng 3/2021, một công ty tại Hà Nội đề nghị hợp tác xuất khẩu sản phẩm từ bẹ chuối khô ra nước ngoài.
Để làm được các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ bẹ chuối khô, phải trải qua nhiều công đoạn. Anh Phong có một đội chuyên xử lý nguyên liệu thô. Trước tiên, bẹ chuối được chọn kỹ rồi phơi khô đạt độ ẩm dưới 10%, có độ dai nhưng không bị xỉn màu. Khi đã có nguyên liệu chuẩn, nhân công mới đưa vào máy se thành cuộn. Từ những sợi dây chuối này, sẽ có một đội riêng đan thành phẩm theo yêu cầu khách hàng. Cuối cùng là các công đoạn làm đẹp cho sản phẩm như xử lý keo, sấy khô, gắn tem,...
Hiện, công ty anh Phong có gần 40 nhân công, sản xuất khoảng 500 loại sản phẩm chủ yếu từ bẹ chuối khô, giấy, sơ dừa... Riêng bẹ chuối khô có thể làm khoảng 400 loại đồ mỹ nghệ, gia dụng như: nón, thảm, chậu cây, giỏ quà, đèn trang trí, khay để vật dụng gia đình và văn phòng, thùng rác... với giá 15.000-500.000 đồng mỗi sản phẩm.
Công ty của anh Phong đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động. Ảnh: An Minh
Ngoài bán ở thị trường trong nước với khoảng 4.000 sản phẩm mỗi tháng, công ty của anh Phong đã xuất hàng đi New Zeland, Mỹ, Trung Quốc. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu khách hàng.
"Khó khăn lớn nhất là nguyên liệu chủ yếu chỉ làm được trong những tháng nắng, nếu gặp mưa thì không đảm bảo", anh nói và cho biết so với lục bình, bẹ chuối khô có thời gian xử lý lâu hơn 10-14 ngày. Ngoài ra, vận chuyển sợi chuối cũng khó khăn hơn nên chi phí tăng. Trong khi đó, chỉ có thể sử dụng một số loại chuối có độ dai phù hợp, màu sắc đẹp.
Để khắc phục vấn đề này, anh Phong cho biết đang nỗ lực xây dựng điểm sản xuất đủ lớn và phát triển dòng sản phẩm từ lá chuối. Đồng thời, anh mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bảo hộ thương hiệu để giúp công ty mở rộng quy mô, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu của địa phương.
An Minh