Hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam Startup Bình Phước
"
Image Slider
Kiến thức khởi nghiệp Hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Hệ thống pháp luật về hỗ trợ khởi nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm 2 loại hình: Các văn bản quy phạm pháp luật (văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật); Các văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính và các loại văn bản khác.

.

Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 về mô hình vườn ươm doanh nghiệp, một trong những hình thức hỗ trợ kinh doanh trong hệ sinh thái khởi nghiệp được chính thức thừa nhận và là tổ chức có chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các doanh nghiệp  khởi nghiệp thông qua việc sử dụng không gian ươm tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đặc biệt từ năm 2016, Nhà nước xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp và hiện nay hệ thống này đang được tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống văn bản này đã đưa ra các định hướng hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; các hình thức hỗ trợ theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn được áp dụng cho doanh khởi nghiệp đăng ký kinh doanh để được công nhận là một doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2017, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Các quy định về hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được quy định tại Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm 2 điều kiện để nhận hỗ trợ: (1) Có thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; (2) Chưa chào bán chứng khoán ra công chúng.[5] Có 5 hình thức hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: (1) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; (2) Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; (3) Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kế nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; (4) Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; (5) Cơ chế cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thông qua các tổ chức tín dụng.[6]

Để hướng dẫn cụ thể các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định hướng dẫn thi hành đã được ban hành, gồm:

- Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

- Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ và các chủ thể có thẩm quyền cũng đã xây dựng, ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm:

- Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Đây là văn bản đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Quyết định số 171/QĐ-BKHCN ngày 7 tháng 02 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” bắt đầu thực hiện từ năm 2017 và Quyết định số 3362/QĐ-BKHCN ban hành quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Theo đó, có 12 dự án và 3 đề tài cụ thể sẽ được triển khai với mục tiêu: Nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

- Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).

- Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Ngoài ra, trên cơ sở tình hình thực tế, các địa phương còn xây dựng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, các quyết định, kế hoạch, chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phần lớn các văn bản này được ban hành trong năm 2017.

tapchicongthuong