Khởi nghiệp từ lò gạch cũ Startup Bình Phước
"
Image Slider
Câu chuyện khởi nghiệp Khởi nghiệp từ lò gạch cũ

Trắng tay từ chăn nuôi lợn, chị Lê Thị Thanh Nga thấy lò gạch cũ bỏ hoang nên mua lại làm điểm check-in và trồng lúa tím than.

Chị Nga, 38 tuổi, đang sở hữu lò gạch cũ ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, điểm check-in nổi tiếng ở Quảng Nam, ngày cao điểm thu hút hơn 1.000 người. Quanh lò gạch, chị trồng 1,6 ha lúa tím than, loại ngũ cốc nguyên hạt, chứa chất xơ, dinh dưỡng trong mầm và cám gạo để nấu ăn, nước uống phục vụ du khách.

Lò gạch cũ thu hút khách chck -in. Ảnh: Đắc Thành

Lò gạch cũ thu hút khách check-in. Ảnh: Đắc Thành

Sinh ra ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, năm 2011 chị Nga tốt nghiệp Đại học Phan Chu Trinh ngành ngoại ngữ tiếng Anh và làm nhân viên văn phòng công ty thức ăn chăn nuôi. Ba năm sau, chị kết hôn với anh Boonlert Kamyai, quê miền Trung Thái Lan, là kỹ sư chăn nuôi, đồng nghiệp cùng công ty.

Đều đam mê trang trại, vợ chồng chị Nga xin thôi việc đến xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên thuê đất chăn nuôi lợn. Từ tiền tích lũy và vay mượn, họ gây dựng được đàn lợn hàng trăm con. Nhưng chưa kịp hưởng thành quả thì năm 2018 lợn rớt giá, năm 2019 dịch tả châu Phi khiến lợn chết gần hết.

Khởi nghiệp bất thành, trang trại tan hoang, đang chưa biết làm gì thì tình cờ đi qua thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh thấy lò gạch cũ bỏ hoang giữa đồng lúa, chị Nga bất chợt lóe lên ý tưởng biến nó thành điểm check-in. Lò gạch hình vuông, rộng 5 m, cao hơn 7 m, bên ngoài có bậc thang đi lên đỉnh, phía trong rỗng. Nơi này cách trung tâm phố cổ Hội An chỉ khoảng 5 km.

Từng học tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, chị Nga muốn sửa chữa lò gạch để làm điểm check-in, gắn với câu chuyện Chí Phèo - Thị Nở để thu hút du khách. Nhiều lần về quê chồng ở Thái Lan, chị thấy họ làm du lịch dựa vào nông nghiệp rất thành công. Để hút khách, họ gắn với những câu chuyện khiến du khách nghe và nhớ mãi.

"Nhưng nếu chỉ sửa lò gạch rồi bán lon nước, ly cà phê thì không bền, khách đến một lần và không quay lại. Phải có sản phẩm độc đáo để khách thưởng thức, mua về sử dụng và nhớ đến mình", chị Nga kể lại những trăn trở hồi khởi nghiệp.

Đầu năm 2020, chị liên hệ chính quyền thuê 2 ha đất thấp trũng bỏ hoang, gặp chủ mua lại lò gạch, thành lập nông trại Lò Gạch Cũ. Biết ý tưởng của chị, nhiều người bảo "điên khùng" vì lò gạch cũ nhiều con nghiện đến chích hút, khách không dám đến. Vùng đất thấp trũng, mỗi năm sản xuất hai vụ lúa, trong năm chỉ 6 tháng khô ráo, thời gian còn lại ngập úng sẽ chẳng ai đến tham quan.

Mặc những lời can ngăn, còn mỗi đôi nhẫn cưới, chị đem bán lấy tiền, đào đắp nền dựng nhà tôn rộng hơn 10 m2 cách lò gạch cũ hơn 100 m cùng con 3 tuổi đến sinh sống. Giữa đồng ruộng không điện, không nước sinh hoạt, đường sá lầy lội, họ hàng ngày cải tạo lò gạch cũ. Chị gia cố thêm sắt thép để người đi lên cầu thang không bị gãy. Quanh lò gạch, chị bắc nhiều bóng đèn tạo vẻ đẹp về đêm.

Để có sản phẩm phục vụ khách, chị cày bừa đất trồng giống lúa tím than theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học mà dùng trùn quế, phân chuồng, thuốc trừ sâu sinh học. Ở Quảng Nam chưa có người trồng lúa tím than, nhìn ra cả nước chỉ có vài nơi đang trồng. Trong khi đó nhu cầu sử dụng của người dân ở các thành phố và cả nước ngoài về loại gạo này ngày càng nhiều.

Chị cũng nuôi vịt thả xuống ruộng diệt sâu bọ, ốc bươu vàng, đồng thời cải tạo hơn 1.000 m2 đất trồng các loại rau, củ quả.

Chị Lê Thị Thanh Nga giấy thiệu về gạo tím than cho khách tham quan. Ảnh: Đắc Thành

Chị Lê Thị Thanh Nga giới thiệu về gạo tím than cho khách tham quan. Ảnh: Đắc Thành

Giống lúa tím than cần canh tác khoảng 120 ngày, mỗi vụ thu hoạch cho năng suất 3,5 tấn/ha. Chị đầu tư máy móc xay xát lấy gạo chế biến sữa gạo tím than, nước uống từ mầm lúa, trà sữa, rượu, nước ép rau củ...

Sau nửa năm đường bêtông, điện kéo đến tận ruộng, khu nghỉ ngơi ăn uống hình thành giữa cánh đồng. Một quán bán nước bên đồng lúa thơ mộng, cầu tre dẫn đến lò gạch để khách check-in cũng được tạo dựng. Quán được làm theo kiểu nhà sàn với những chiếc bàn ghế bằng tre, từ đây khách dễ dàng nhìn ra lò gạch, đón ánh nắng bình minh, hoàng hôn, ngắm nhìn cầu tre dài uốn lượn.

Chủ nông trại còn lồng ghép điểm đến lò gạch cũ với các sản phẩm từ gạo tím than và một số hoạt động trải nghiệm như làm đồng, câu cá, thưởng thức món ăn dân dã như cơm gạo tím than, trà, rượu. Trong khuôn viên, chị trồng nhiều loại hoa, rau hữu cơ, dựng những khu chòi cho khách dừng chân nghỉ ngơi.

Ngày đầu mở cửa, nông trại đón 20 khách và hình ảnh lò gạch cũ với câu chuyện Chí Phèo - Thị Nở được lan truyền. Khách đến không mất phí tham quan, ủng hộ quán bằng những ly nước uống. "Tôi mừng khi hàng trăm khách đến, song cũng lo sợ sập quán và cầu. Thông qua du lịch, tôi quảng bá, giới thiệu những sản phẩm của nông trại. Gạo bán tại nông trại, bán trực tiếp đến người tiêu dùng, không qua khâu trung gian", chị kể.

Nông trại Lò Gạch Cũ dần thu hút khách, trung bình mỗi ngày đón khoảng 100 khách, lễ Tết 300-400. Chị mở thêm tour trải nghiệm một ngày làm nông dân, trải nghiệm làm lúa nước. Khách nước ngoài đến xem quy trình sản xuất gạo, tự ra vườn hái rau, nấu cơm thưởng thức.

Những sản phẩm từ gạo tím than do chị Nga chế biến phục vụ khách. Ảnh: Đắc Thành

Những sản phẩm từ gạo tím than do chị Nga chế biến phục vụ khách. Ảnh: Đắc Thành

Mỗi năm nông trại đón khách 6 tháng, doanh thu 150 triệu đồng mỗi tháng. Nông trại tạo làm việc làm cho 4 người, thu nhập 6-8 triệu đồng/người.

Mùa vắng khách, chị bán các sản phẩm giúp đủ chi phí vận hành và tập trung sản xuất nông nghiệp. "Hiện doanh thu chưa cao, song cái vui nhất là biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa mà giá cá gấp năm lần so với nông dân trồng lúa gạo trắng. Mô hình được nhiều người đến học tập và tôi sẵn sàng chia sẻ", chị kể.

Trong tương lai, chị muốn liên kết với người dân trong vùng sản xuất hơn 5 ha lúa tím than. Ngoài 7 sản phẩm tự làm, chị chế biến thêm 3 món từ gạo tím than phục vụ khách và tổ chức chợ phiên nông sản mỗi tuần một lần tại đây để nông dân địa phương quảng bá nông sản, tiếp cận khách hàng để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch huyện Duy Xuyên, đánh giá chị Nga có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Từ lò gạch bỏ hoang, chị đã cải tạo trở thành điểm thu hút du khách. Các sản phẩm đều chế biến từ sản xuất tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Gạo tím than Lò Gạch Cũ đã được UBND tỉnh Quảng Nam chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nông trại được chủ tịch tỉnh công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020, ông Đức cho biết.