NTTU là đơn vị trường thuộc doanh nghiệp. Vì vậy, đội ngũ lãnh đạo đề cao vai trò và sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, từ đó, xây dựng mạng lưới đối tác 3.000 công ty hoạt động đa lĩnh vực.
NTTU ký kết với doanh nghiệp, tổ chức... để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên. Ảnh: NTTU
Chiến lược này tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Những "giảng đường doanh nghiệp" này giải quyết bài toán kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đây là không gian cho các bạn trẻ có thêm cơ hội học tập ngoại khóa, tiếp xúc thường xuyên với môi trường doanh nghiệp, học hỏi kinh nghiệm của chuyên gia trong ngành.
Song song, sinh viên có thể tự rút ra bài học chân thực, khách quan và tránh bỡ ngỡ khi ra trường qua trực tiếp tham gia vào các công việc trong tập đoàn, công ty, xưởng sản xuất.... Trong quá trình đào tạo, sinh viên có một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Đây là quãng thời gian để các bạn trải nghiệm, làm quen và thích nghi với môi trường làm việc thực tế trước khi tốt nghiệp. Đây cũng là cơ hội cho sinh viên nhận sự hướng dẫn từ chuyên gia thuộc mạng lưới doanh nghiệp trường kết nối.
TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng đã tích cực góp ý giúp trường xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo.
"Nhờ được chuẩn bị tốt như vậy, sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được nhiều doanh nghiệp chào đón và đánh giá cao về năng lực được đào tạo", bà khẳng định.
Doanh nghiệp đồng hành với cuộc thi do NTTU tổ chức. Ảnh: NTTU
Ngoài đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chú trọng trang bị khả năng khởi nghiệp và làm chủ của người học sau khi ra trường. Đơn vị khơi nguồn đam mê khởi nghiệp sáng tạo cho các bạn trẻ, từ đó, tạo nên thế hệ cựu sinh viên là doanh nhân thành đạt hoặc nhà quản trị, quản lý.
Để làm được điều này, NTTU trang bị cho người học nhận thức, trải nghiệm dự án khởi nghiệp, nâng cao giá trị bản thân. Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đã được trường ươm tạo, kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào quá trình tư vấn, đầu tư để có thể phát triển ra thị trường như Công ty TNHH TM Q-Green của Giám đốc Trịnh Công Qui, sinh viên khoa Dược; Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ bền vững SOFa do Huỳnh Quí Nguyệt - cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học sáng lập...
Trong đó, Đoàn Thị Thu Hằng - cựu sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, hiện là trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), đã đồng sáng lập Công ty Green Agrtech. Cô chia sẻ, sự kết hợp giữa việc học và khởi nghiệp giúp cô rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, làm việc hiệu quả hơn. Việc tự thân lập nghiệp cũng giúp nữ doanh nhân trở nên tự tin và độc lập hơn, sẵn sàng đối mặt với thách thức trong công việc, cuộc sống.
NTTU tổ chức workshop để sinh viên giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: NTTU
Nếu khởi nghiệp thành công, cựu sinh viên NTTU có thể tạo ra nguồn thu nhập sớm, giảm bớt áp lực tài chính sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, việc khởi nghiệp trong môi trường học đường cũng là cơ hội để Hằng rèn luyện khả năng thích ứng và sáng tạo, ngay cả trong những điều kiện khó khăn và thách thức nhất.
"Những trải nghiệm và kỹ năng này không chỉ trang bị cho em hành trang vững chắc bước vào đời, mà còn mở ra những cánh cửa mới, cơ hội trong sự nghiệp sau này", cô nói thêm.
Phượng Nguyễn