Sau 23 năm, từ vài chục triệu đồng đi vay, ông Võ Văn Đồng, 57 tuổi, trú xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, đã là chủ của hợp tác xã trồng và sản xuất chè có tiếng ở Nghệ An, nổi tiếng với biệt danh "vua chè".
Ông Đồng kết hôn với bà Trần Thị Lý vào năm 1990, sinh được ba người con. Thời gian đầu, vợ chồng làm nông và buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ. Tằn tiện tích góp từng đồng mới đủ nuôi con ăn học, các khoản chi tiêu sinh hoạt luôn thiếu trước hụt sau. Áp lực, ông Đồng muốn tìm nghề mới mưu sinh nhưng chưa nghĩ ra. Xã Hùng Sơn khi ấy đất cằn đá sỏi, thanh niên đi làm công nhân, nếu ở nhà cũng chỉ làm ruộng, lên rẫy, ai có sức thì theo nghề đào giếng thuê.
Ông Võ Văn Đồng bên đồi chè của gia đình. Ảnh: Đức Hùng
Nhiều lần đi buôn về mệt lả, ông Đồng ngồi nghỉ ngơi bên đường, nhận thấy vùng đất Hùng Sơn nơi mình đang sống có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp. Phía nam là những ngôi làng sát sông Lam, người dân quanh năm làm ruộng, hoa màu. Nhìn về hướng tây là những ngọn đồi thoải nối tiếp nhau, nhưng đa số bỏ hoang, chỉ có ba hộ dân trồng chè nhưng năng suất thấp.
"Hay mình sẽ khởi nghiệp với cây chè", ông Đồng rất nhiều lần nghĩ tới ý tưởng này, nhưng đành để trong lòng, chưa dám nói ra vì sợ vợ con, bố mẹ phản đối. Trồng chè lúc đó được đánh giá mạo hiểm bởi nghề này còn manh nha, thu hái bằng tay, đầu ra không có, phải dùng thuyền và đò gỗ chở chè tươi qua sông Lam đưa xuống thị trấn Anh Sơn nhập cho các nhà máy, nhưng giá rất thấp.
Ấp ủ kế hoạch gần chục năm, đến năm 2001, ông Đồng đặt vấn đề với vợ sẽ sử dụng một trong 4 hecta đất có sẵn của gia đình để thử nghiệm trồng cây chè. Trái ngược với dự đoán của ông, mọi người ủng hộ, nhưng thòng thêm câu "sợ không có tiền đầu tư".
Ông Đồng đã trấn an người thân đừng lo, nói đã có kế hoạch hết rồi. Thực tế vợ chồng chẳng có đồng vốn lận lưng, phải đi vay khắp nơi. Và ông phải nói dối là vay để chăn nuôi gia súc, vì sợ nói trồng chè sẽ bị từ chối.
Các vườn chè thuộc hợp tác xã do ông Đồng đứng đầu. Ảnh: Đức Hùng
Có hơn 50 triệu đồng đi vay, vợ chồng ông Đồng cải tạo đất, mua cây chè giống về trồng. Để tiết kiệm chi phí, ông mượn máy cày xới đất ròng rã suốt nhiều tháng, có những hôm tranh thủ làm khi sáng trăng, đến nửa đêm mới nghỉ. Tiền phân bón, lân đạm đa số bị thiếu, toàn phải mua nợ. Sau một năm, cây bắt đầu cho thu hoạch bói.
Năm 2004 trở đi, vợ chồng ông Đồng hái búp chè tươi đem bán cho đối tác để chế biến chè (trà) khô bán ra thị trường. Thời điểm này thu nhập bắt đầu ổn định, ông Đồng gom góp trả được những khoản nợ cũ lúc khởi nghiệp, sắm thêm máy móc, tiếp tục cải tạo 3 hecta đất còn lại để trồng thêm cây chè.
Thấy gia đình ông Đồng khá lên nhờ trồng chè, người dân trong xã Hùng Sơn cũng cải tạo đất vườn đồi, mua giống chè về trồng. Cây chè vòng đời 40 năm, sau vụ cắt búp là ra lứa mới, cho thu nhập quanh năm. Từ chỗ không có chủ trương, năm 2005 trở đi, xã Hùng Sơn phát động phòng trào trồng chè đến từng hộ dân. Đến nay địa bàn có hơn 600 hecta, là "thủ phủ" chè của huyện Anh Sơn.
Người dân trong xã có thu nhập ổn định nhờ bán chè búp, nhưng ông Đồng không hài lòng với thực tại. Ông phân tích mình có sẵn nguyên liệu, nhưng lại đưa đi bán cho đối tác thì không lời nhiều. Phải làm sao chế biến được ra sản phẩm trà khô, lúc đó mới có hiệu quả. Vì thế năm 2016, ông Đồng lập hợp tác xã chế biến trà xanh truyền thống chất lượng cao.
Ông Đồng đang chuẩn bị sấy một mẻ chè khô. Ảnh: Đức Hùng
Nhưng kinh nghiệm làm trà thành phẩm là con số không. Khi hợp tác xã vừa ra đời, ngoài đọc tài liệu, ông Đồng khăn gói ra Thái Nguyên, đến các cơ sở chế biến chè xin học hỏi, ghi chép từng công đoạn. Sau khoảng hai tháng, ông trở về, bỏ một tỷ đồng đầu tư phân xưởng, máy móc để "làm lớn".
Ban đầu thiếu kinh nghiệm, vợ chồng gặp vô số trục trặc. Máy móc chưa quen, không căn được thời gian nhiệt để sấy chè, hàng trăm mẻ bị hỏng hoặc chất lượng kém. Vợ có vẻ nản, nhưng ông Đồng động viên "cứ làm ắt đến đích". Sau ba năm, ông Đồng đã "chinh phục" được cách chế biến, tạo ra những mẻ chè tốt.
Theo ông Đồng, chè tươi khi hái về được làm héo, sau đó đưa vào dệt men, sấy, tiếp đến bỏ vào cối vò, xong rồi cho vào lò sấy khô... Trung bình một tháng ông sấy khoảng hai tấn chè búp tươi. Khâu này vợ chồng ông "tự làm và trả lương cho nhau", không thuê lao động ngoài để giữ bí quyết.
Tạo ra được sản phẩm, ông Đồng lại "đau đầu" tìm thị trường. Hàng ngày ông tự lái xe chở khoảng 50 kg chè đến ký gửi tại các đại lý, cửa hàng tạp hóa. Đa số đều không có khách đặt, trong 3 năm đầu kể từ khi lập hợp tác xã, ông nhiều lần phải chở hàng tạ chè về nhà. Đến năm 2020, sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, bắt đầu đi vào được các cửa hàng sạch, siêu thị, khách sạn, ông Đồng xúc động, ôm chầm lấy vợ cùng các hội viên.
Nhưng niềm vui vừa chớm nở đã vụt tắt. Năm 2020-2021, ảnh hưởng của Covid-19 khiến vận chuyển khó khăn, giá cả biến động, chè búp từ 4.000 đồng một kg giảm một nửa. Việc kinh doanh chè khô của ông Đồng không tiêu thụ được. Thấy hội viên trong hợp tác xã chán nản, ông động viên cố cầm cự. Giai đoạn này dù phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng vì không có nguồn thu, ông Đồng vẫn lạc quan, tâm sự nếu mình bỏ cuộc thì mọi người bấu víu vào đâu.
Bà Trần Thị Lý (vợ ông Đồng) giới thiệu sản phẩm chè khô do hợp tác xã sản xuất. Ảnh: Đức Hùng
Hết dịch bệnh, hợp tác xã dần ổn định sản xuất kinh doanh. Ngoài thu mua chè của hội viên bán cho các nhà máy trên địa bàn, 4 hecta chè thuộc sở hữu của gia đình mỗi tháng cho 2-3 tấn búp để chế biến. Cơ sở có 3 loại trà thành phẩm đóng gói, khoảng 2 lượng, bán 80.000 đồng mỗi hộp, bảo quản 4-5 tháng. Thị trường tiêu thụ ở Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành.
Trừ mọi chi phí, trung bình một năm ông Đồng lời khoảng 700 triệu đồng từ bán chè tươi và khô. Vào mùa, cơ sở thuê khoảng 10 lao động thu hái, trả công theo sản phẩm, một yến 70.000 đồng, mỗi buổi một người hái được gần 30 kg.
Từ chỗ tay trắng, đến nay ông Đồng làm được nhà cửa khang trang, sắm ôtô, các con đã trưởng thành, có công việc ổn định. Ông Đồng chia sẻ luôn tâm niệm làm mọi việc chỉn chu, tâm huyết, tuân thủ đúng quy trình từ khi hái chè cho đến chế biến thì mới giữ chân được khách hàng. Thời gian tới ông dự định mở rộng phân xưởng, tập trung mạnh vào khâu chế biến để tiêu thụ được nhiều chè hơn, ngoài tăng trưởng cho hợp tác xã thì còn góp phần đỡ đần kinh tế cho hội viên.
Ông Trần Minh Hoàn, Chủ tịch xã Hùng Sơn, đánh giá ông Đồng có tầm nhìn xa, kiên trì, đi đầu trong làm nông nghiệp. "Ngày đầu khởi nghiệp không có tiền, kinh nghiệm ít, nhưng anh Đồng vẫn tiên phong, không sợ thất bại. Sự táo bạo ấy đã mang lại thành công, là tấm gương cho nhiều người", ông Hoàn nói.
Đức Hùng