Chị Dương Thị Hồng Chuyên (37 tuổi, ngụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) đã tốt nghiệp ngành Quản lý Kinh tế tại một trường đại học. Sau khi làm việc tại hội nông dân, chị nhận thấy nguồn tài nguyên thủy sản phong phú của quê hương vào mùa nước nổi. Đặc biệt, cá lóc và cua đồng rất dồi dào nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Nhận thấy cơ hội này, chị quyết định khởi nghiệp với sản phẩm khô cá lóc.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, chị Chuyên đã thành lập cơ sở chế biến khô và nhanh chóng gây dựng được tên tuổi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, chị quyết định phát triển thêm dòng sản phẩm mới là lạp xưởng. Từ năm 2021, chị đã mày mò và nghiên cứu cách làm lạp xưởng cá lóc - một sản phẩm ít người nghĩ đến.
“Vì lạp xưởng là một trong những món ăn được ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, các loại lạp xưởng làm từ thịt heo, thịt bò… đã quá quen thuộc trên thị trường nên tôi mới nghĩ ra cách chế biến lạp xưởng từ cá lóc. Chưa kể, cá lóc cũng như các loại cá khác, trong một ao nuôi sẽ không lớn đồng đều. Những con cá nhỏ thường được bán rất rẻ nên tôi muốn nâng cao giá trị của chúng”, chị chia sẻ lý do làm lạp xưởng cá lóc.
Chị Chuyên đã nghiên cứu ra sản phẩm lạp xưởng làm từ cá lóc và cua đồng.
Trong giai đoạn đầu, chị Chuyên gặp không ít khó khăn trong quá trình làm ra sản phẩm mới này. Việc tìm ra công thức chuẩn cho lạp xưởng không hề dễ dàng. Chị đã thử nghiệm nhiều lần và mất không ít công sức, tiền bạc trước khi hoàn thiện công thức. Đặc biệt, việc thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm lạp xưởng từ cá lóc cũng là một thách thức lớn do tâm lý e dè về mùi tanh của cá.
Để giới thiệu sản phẩm, chị đã tặng kèm lạp xưởng cùng với khô cá lóc để người tiêu dùng trải nghiệm. Nhờ chiến lược này, sản phẩm của chị dần dần được yêu thích.
Theo chị, lạp xưởng cá lóc cần trải qua nhiều công đoạn mới ra thành phẩm. Ban đầu, cá đem đi phi lê để ráo rồi đem xay, sau đó làm thành chả, ướp nguyên liệu, cho vào ruột làm lạp xưởng và cuối cùng là đem phơi. Sản phẩm làm ra có độ dai, giòn, mềm tự nhiên.
Nhờ có các sản phẩm này, chị có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi phát triển thành công sản phẩm lạp xưởng cá lóc, chị lại nghiên cứu và tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm lạp xưởng làm từ cua đồng. Với sản phẩm này, chị sử dụng nguyên liệu chả cá lóc cùng thịt cua xay để làm.
“Nguyên liệu chính vẫn là từ chả cá lóc do mình làm ra rồi ướp thêm thịt cua vào. Lạp xưởng cua vừa ngon vừa bổ sung lượng canxi cao cho mọi người nên nhiều khách hàng ưa thích lắm”, chị cho hay.
Các sản phẩm từ khô cá lóc, lạp xưởng cá lóc và lạp xưởng cua đều đồng giá 240.000 đồng/kg.
Hiện nay, chị Chuyên đang tiêu thụ hơn 3 tấn lạp xưởng và khô cá lóc mỗi tháng. Còn vào các dịp lễ Tết, số lượng bán ra tăng gấp 2-3 lần. Tính trung bình, các sản phẩm này đã đem về doanh thu 3 tỷ đồng mỗi năm. Trong tương lai, chị dự định mở rộng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm với lạp xưởng nướng ăn liền để phục vụ nhu cầu của học sinh và dân văn phòng.
Theo Phúc Minh