Đồng Tháp đã khai mạc diễn đàn khởi nghiệp lần thứ hai về kinh tế xanh - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Trần Trí Quang - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện nay khu vực đồng bằng sông cửu long có khoảng 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 400 - 500 dự án khởi nghiệp mỗi năm.
Bên cạnh thế mạnh về nông nghiệp, nơi đây đang chịu nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, nên việc chuyển đổi nền kinh tế sang xu thế nông nghiệp xanh, giảm phát thải là nhu cầu tất yếu.
Tại diễn đàn lần thứ 1-2022, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cam kết các mục tiêu: Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp; nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng Đồng Tháp thành trung tâm giải pháp giảm phát thải; tập trung các giải pháp liên quan đến nông nghiệp phát thải thấp.
Diễn đàn lần thứ hai diễn ra trong điều kiện Chính phủ và các bộ ngành trung ương quan tâm triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", trong đó chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
"Đồng Tháp sẽ khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong, mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Qua diễn đàn các start-up sẽ có đóng góp cho kinh tế xanh cũng như đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn, nêu giải pháp và phát triển công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đón đầu xu thế phát triển của thế giới", ông Quang nói.
Cũng trong ngày 15-11 sẽ diễn ra vòng chung kết Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 với 10 dự án tham gia tranh tài và thuyết phục các nhà đầu tư. Đây là các dự án xuất sắc chọn từ 136 dự án đến từ 18 tỉnh, thành cả nước tham gia.
Đặng Tuyết