Làm nhựa sinh học từ vỏ sầu riêng Startup Bình Phước
"
Image Slider
ý tưởng khởi nghiệp Làm nhựa sinh học từ vỏ sầu riêng

Tận dụng chất thải nông nghiệp là vỏ sầu riêng, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã tạo ra sản phẩm nhựa sinh học dùng bảo quản thực phẩm, từ đó giúp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.

Sản phẩm bioplastic (nhựa sinh học) từ vỏ sầu riêng có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất túi nilon, bao bì thực phẩm bánh, kẹo.... Các sản phẩm này có thể được sử dụng tương tự như các sản phẩm nhựa truyền thống, nhưng với khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Nhựa sinh học từ vỏ sầu riêng có độ bền cao, không chứa chất độc hại và an toàn cho người sử dụng.

 

Thảo Nguyên (bìa trái) cùng các thành viên trong nhóm

 

Bạn Lưu Thảo Nguyên, sinh viên trường Đại học Trà Vinh (đại diện nhóm dự án Sản xuất bioplastic từ vỏ sầu riêng) cho biết, xuất thân là người con Trà Vinh, một địa phương ven biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã cảm nhận được sự phong phú của tài nguyên tự nhiên xung quanh mình. “Vỏ sầu riêng, một phế phẩm nông nghiệp phổ biến luôn gợi lên trong tôi về tiềm năng chưa được khai thác. Từ đó, ý tưởng sản xuất bioplastic từ vỏ sầu riêng đã ra đời”, Thảo Nguyên chia sẻ.

Theo Thảo Nguyên, trong quá trình chế biến và tiêu thụ sầu riêng, vỏ sầu riêng bị lãng phí hoặc đổ vào môi trường một cách không kiểm soát vô cùng lớn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là một sự lãng phí tài nguyên tự nhiên. “Thay vì bỏ đi, em sử dụng vỏ sầu riêng để sản xuất bioplastic, từ đó, có thể giảm thiểu lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường”, Thảo Nguyên nói.

 

Nhựa sinh học được chiết xuất từ vỏ sầu riêng do các bạn sinh viên trường Đại học Trà Vinh sản xuất

 

Bên cạnh đó, sản xuất nhựa bioplastic từ vỏ sầu riêng có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể cho cộng đồng địa phương; mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong khu vực, từ công việc thu gom, xử lý vỏ sầu riêng đến sản xuất và phân phối sản phẩm bioplastic. Điều này không chỉ giúp cải thiện mức sống mà còn giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng. Hơn nữa, việc phát triển ngành công nghiệp bioplastic cũng có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Đặc biệt, giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nhựa sinh học để bảo vệ môi trường. Vì nguồn nguyên liệu đầu vào là phế phẩm và giá rất rẻ, nên sẽ tạo ra được sản phẩm có thể ứng dụng vào trong cuộc sống và có giá thành phù hợp với người dân.

Để tạo ra sản phẩm, Thảo Nguyên cùng các thành viên trong nhóm sử dụng kỹ thuật chiết xuất để tách cellulose từ vỏ sầu riêng, một thành phần quan trọng để sản xuất bioplastic. Đồng thời, ứng dụng công nghệ nano để tăng độ bền, tính chịu nhiệt, chống thấm cho sản phẩm. Cùng với đó là ứng dụng các quy trình hóa học để biến đổi cellulose thành bioplastic, bao gồm việc sử dụng các chất xúc tác và điều kiện phản ứng cụ thể.

Chính vì thế, nhựa sinh học từ vỏ sầu riêng thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Sản phẩm này còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp, góp phần giảm lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhựa sinh học từ vỏ sầu riêng đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy phát triển bền vững. Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả sử dụng, sản phẩm còn hỗ trợ cộng đồng và nền kinh tế địa phương bằng cách tạo ra công ăn việc làm và khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trường Đại học Trà Vinh) đánh giá, dự án "Sản xuất bio-plastic từ vỏ sầu riêng" mang tính sáng tạo trong việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên tái chế để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc sử dụng vỏ sầu riêng để sản xuất bioplastic không chỉ giúp giảm lượng rác thải sinh học mà còn giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, dự án này cũng tạo ra cơ hội cho cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình sản xuất và phát triển nền nông nghiệp xanh.

Theo TPO