Nhưng vì đam mê nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và muốn tìm một hướng đi riêng cho mình, chàng trai trẻ quyết tâm trở về quê Sơn Dương, Tuyên Quang khởi nghiệp.
Trong quá trình làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, Lâm hoàn thiện được trình độ ngoại ngữ và dịch tất cả các loại sách, tài liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phương pháp trồng rau, quả thủy canh của người Nhật. Khi đã tích lũy được kiến thức, anh mới quyết định về quê lập nghiệp.
Đoàn viên thanh niên các tỉnh đến thăm mô hình sản xuất của Nguyễn Việt Lâm
“Thú thật, tôi đã có đam mê làm nông nghiệp từ lúc còn là học sinh. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài cũng để học cách thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức. Đặc biệt, trau dồi thêm kiến thức ngoại ngữ. 4 năm làm việc tại Hà Nội, tôi học được rất nhiều thứ, dịch được các sách khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước có nền nông nghiệp phát triển”, Lâm chia sẻ.
Dưa được trồng trong nhà màng, được tự động hóa theo công nghệ hiện đại với quạt mát, phun sương tưới ẩm
Quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp, Lâm suy nghĩ rất nhiều, bởi quê hương Tuyên Quang không có nhiều khu công nghiệp lớn, không có điều kiện giao thông thuận lợi; quỹ đất để phát triển nông nghiệp hạn chế. Liệu khởi nghiệp có thành công???
Sản phẩm dưa Đức Dương Farm
"Thách thức sẽ rất nhiều, nhưng đổi lại quê hương mình khí hậu ôn hoà, môi trường, nguồn nước không bị nhiễm điều kiện tốt cho phát triển nông nghiệp sạch. Vì vậy, tôi quyết tâm về quê lập nghiệp và xác định phải kiên trì vượt qua nhiều thách thức", Lâm tâm sự.
Sản phẩm dưa lưới tham gia hội chợ
Cuối năm 2017, Lâm chính thức bắt tay vào khởi nghiệp, xây dựng mô hình canh tác rau, dưa lưới trong nhà màng công nghệ cao, theo hình thức thuỷ canh nhỏ giọt trên giá thể. Chỉ sau 2 năm xây dựng, cải tạo, Lâm đã hình thành cơ bản khu sản xuất bao gồm: Nhà kính, hệ thống xử lý nước, đất; hệ thống máng trồng...
Trang trại được đầu tư hiện đại, quy hoạch bài bản, tự động hóa theo công nghệ quạt mát, phun sương tưới ẩm. Hệ thống đường ống dẫn nước được lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước.
Vì ứng dụng công nghệ, năng suất cây trồng tăng gấp 3 lần so với phương pháp canh tác thông thường, thời gian thu hoạch ngắn, lợi nhuận cao.
Hiện nay, Lâm nâng quy mô và liên kết với các hộ dân, mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 4 héc ta trồng rau, dưa lưới. Doanh nghiệp của Lâm có hai sản phẩm dưa lưới, dưa chuột bao tử đạt đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tuyên Quang. Sản phẩm được bảo hộ thương hiệu và sở hữu trí tuệ với thương hiệu Đức Dương Farm bởi Bộ khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó, Lâm mở rộng lĩnh vực sản xuất, liên kết với nông dân trồng ngô sinh khối, cung cấp 3000- 4500 tấn cho các trại bò sữa lớn trên địa bàn tỉnh như Vinamilk Phú Lâm, Future milk Phúc Ứng.
Với những thành tích đạt được trong khởi nghiệp, Nguyễn Việt Lâm đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Tuyên Quang năm 2019”; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Ngoài ra, Nguyễn Việt Lâm được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen vì đã thành tích trong phong trào thi đua yêu nước; trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
UBND tỉnh Tuyên Quang tặng danh hiệu Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2022.
Theo TPO