Khởi nghiệp từ lông gà Startup Bình Phước
"
Image Slider
Câu chuyện khởi nghiệp Khởi nghiệp từ lông gà

Thất bại từ việc thu gom lông gà đem bán, anh Nguyễn Hà Thiên tự mày mò biến chúng thành phân hữu cơ, cho doanh thu 200 triệu đồng mỗi tháng.

Chủ nhật, 26/11/2023, 00:00 (GMT+7)

Khởi nghiệp từ lông gà

QUẢNG NAMThất bại từ việc thu gom lông gà đem bán, anh Nguyễn Hà Thiên tự mày mò biến chúng thành phân hữu cơ, cho doanh thu 200 triệu đồng mỗi tháng.

Ngày cuối tháng 11, cơ sở sản xuất lông gà thành phân hữu cơ của anh Thiên, 31 tuổi, ở khu vực được quy hoạch lập cụm công nghiệp xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, có bốn công nhân đang vận hành máy móc. Nhà xưởng thiết kế khép kín, có hệ thống xử lý mùi hôi.

Nguyễn Hà Thiên từng thua lỗ nhưng không bỏ cuộc để sản xuất phân bón từ lông gà. Ảnh: Đắc Thành

Nguyễn Hà Thiên bên đống lông gà mới thu mua để sản xuất phân hữu cơ. Ảnh: Đắc Thành

Sinh ra ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, học xong lớp 12, anh Thiên nối nghiệp gia đình mở shop quần áo và quán nhậu ở TP Hội An. Công việc cho thu nhập khá, nhưng anh chưa bằng lòng, muốn tìm cách làm ăn mới.

Năm 2021, biết ở Cần Thơ thu mua lông gà để xuất sang Trung Quốc, Thiên làm đầu mối thu mua lông gia cầm ở miền Trung phơi khô rồi bán 8 triệu đồng một tấn. Mỗi tháng anh bán khoảng 15 tấn lông gà. Được ba tháng, thương lái ép giá còn 5 triệu đồng một tấn, không còn lợi nhuận nên anh dừng.

Do đã ký hợp đồng với chủ lò mổ gia cầm nên Thiên phải thu mua lông gà và tìm đến chủ vườn quất cảnh ở Hội An bán lại. Lông gà chứa protein, canxi, megie, natri, đồng, đạm, giúp cây phát triển tốt, nhất là quất cảnh bán Tết. Tuy nhiên, lông gà bón trực tiếp sẽ sinh ra vi khuẩn, mạt gà, mùi hôi.

"Tại sao không biến lông gà thành phân bón hữu cơ, hạn chế các nhược điểm so với bón trực tiếp?", Thiên tự hỏi.

Để thử nghiệm, anh phơi lông gà khô và thuê thợ cơ khí thiết kế hệ thống máy sấy, máy nghiền gần 600 triệu đồng. Nhưng sấy lông gà ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra khí biogas hôi thối, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Sau khi sấy và nghiền, lông gà dạng hạt không thể nén được thành viên.

Lông gà trộn với cám gạo, trấu, men vi sinh sinh ủ 30-50 ngày tự hoai mục sẽ được phơi khô cho vào máy nghiền nhỏ. Ảnh: Đắc Thành

Lông gà trộn với cám gạo, trấu, men vi sinh ủ 30-50 ngày cho hoai mục, rồi phơi khô và cho vào máy nghiền nhỏ. Ảnh: Đắc Thành

Toàn bộ máy móc tự chế tạo chỉ lấy được một số bộ phận, còn lại Thiên đành bán sắt vụn, thua lỗ khoảng 500 triệu đồng, mất hết vốn. Người thân, bạn bè khuyên anh nên dừng bước, tránh rơi vào cảnh nợ nần, bởi "cái gì dễ làm sẽ không đến lượt mình".

Nhưng anh Thiên không nản. "Còn thở là còn gỡ, shop quần áo và quán nhậu vẫn cho thu nhập", anh giải thích việc vay mượn ngân hàng, người thân để theo đuổi sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà.

Thấy nông dân lấy phân chuồng trộn với trấu, bột cám gạo, ủ cho hoai mục rồi bón cây, anh Thiên thử làm theo. Lông gà lấy về để ráo nước, sau đó trộn trấu, cám gạo cùng các loại men vi sinh. Qua nhiều lần thử với tỷ lệ trấu, cám, loại men khác nhau, cuối cùng anh tìm ra công thức riêng cho mình.

Lông gà chiếm 70%, còn lại trấu, cám gạo, men vi sinh trộn đều ủ 30-50 ngày sẽ hoai mục, mùi hôi giảm đến 80% so với sấy khô. Hỗn hợp lông gà được để khô, sau đó cho vào máy nghiền mịn và nén thành viên. Thử nghiệm bón cho cây, phân hữu cơ lông gà giúp cây phát triển tốt, năng suất vượt trội.

Bón phân lông gà còn kích thích giun đất phát triển, đất tơi xốp. Loại này nếu rải lên mặt đất vẫn còn mùi, sau khoảng 4 giờ mới bay hết. Để bón cho cây, cần xới đất lên, rải phân xuống rồi lấp xuống, anh Thiên cho biết.

Phân lông gà dạng viên có giá từ 10.000-22.000 đồng. Ảnh: Đắc Thành

Phân lông gà dạng viên bán 10.000-22.000 đồng/kg. Ảnh: Đắc Thành

Do cơ sở nằm trong khu dân cư, phát sinh mùi hôi nên bị người dân phản ánh. Anh Thiên buộc phải di dời cơ sở đến xã Duy Nghĩa, nơi quy hoạch cụm công nghiệp và nằm xa khu dân cư. Anh đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng cho cơ sở mới với hệ nhà tôn khép kín, xử lý mùi hôi bằng than hoạt tính.

Từ tháng 8/2023, cơ sở hoạt động ổn định, mỗi ngày thu mua khoảng 1,7 tấn lông gia cầm từ hơn 30 lò mổ ở TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Sau khi ủ và sản xuất, mỗi tấn lông tươi cho khoảng 400 kg phân hữu cơ.

Mỗi tháng cơ sở bán ra các tỉnh miền Trung và miền Nam khoảng 30 tấn phân lông gà hữu cơ, giá 10.000-22.000 đồng/kg, doanh thu 200 triệu đồng. Trừ chi phí, Thiên thu lời khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Cơ sở đang tạo việc làm cho bốn người, thu nhập 5-7 triệu đồng một tháng.

"Mong ước của tôi là mở rộng quy mô sản xuất, song cơ sở hiện mới được thuê ngắn hạn. Hy vọng trong tương lai, khi cụm công nghiệp hình thành, chính quyền sẽ cho thuê đất lâu dài", Thiên nói.

Chị Lê Thanh Nga, chủ trang trại Lò Gạch Cũ, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, cho biết mua phân lông gà của anh Thiên về thử nghiệm trên một luống rau và so sánh với luống rau khác dùng phân chuồng. Kết quả luống rau dùng phân lông gà cho tỷ lệ nảy mầm nhanh, rau xanh mướt hơn, đặc biệt đất tơi xốp hơn so với luống còn lại. "Tôi đã mua phân lông gà về bón cho 500 m2 chuyên trồng rau. Giá cả phù hợp, phân tốt cả cho cây và đất", chị nói.

Đang canh tác 2 ha lúa tím than, vụ tới chị Nga dự định sử dụng phân hữu cơ lông gà bón trên một phần diện tích làm đối chứng với ruộng bón phân chuồng. Nếu thích hợp với cây lúa, chị sẽ thay thế phân chuồng. Vì bón phân chuồng phải đi thu mua rồi về ủ cho hoai mục, tốn công sức.

Đắc Thành