Gặp lại chủ nhân giải nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2023 Startup Bình Phước
"
Image Slider
ý tưởng khởi nghiệp Gặp lại chủ nhân giải nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2023

Sau một thời gian miệt mài với dự án khởi nghiệp, Nguyễn Quốc Vương đã gặp hái được nhiều thành quả tích cực, từng bước đưa dự án khởi nghiệp vươn xa.

>>10 năm - Một hành trình thắp lửa Khởi nghiệp

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc Công ty tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam (Chủ nhân giải nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2023 - dự án “AWT-Carbon”) cho hay bước đầu dự án đã có nhiều phát triển và nhận được mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

a

Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc Công ty tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam, chủ nhân giải nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2023.

 

- Năm 2023, dự án của Quốc Vương đã đạt giải nhất Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia, xin hỏi, xuất phát từ đâu Quốc Vương có ý tưởng khởi nghiệp với dự án này?

Ngay từ lúc còn ở trên giảng đường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, bản thân đã bắt đầu với dự án mang tên “Futuristic Microalgae” - Vi tảo xử lý nước thải thủy sản. Dự án này cũng đã giành được nhiều giải thưởng có giá trị tại các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình gọi vốn,...

Và việc tham gia các chương trình về khởi nghiệp xuất phát với dự án được nghiên cứu và triển khai từ thời sinh viên cho đến bây giờ. Nhận thấy được tiềm năm của công nghệ cũng như xu hướng của xã hội trong những năm sắp tới, bản thân duy trì dự án dù gặp nhiều khó khăn.

Thực tế rằng, nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản, trại chăn nuôi,… luôn có nồng độ ô nhiễm cao. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ những nhà máy, trang trại quy mô lớn mới đủ điều kiện thực hiện. Phần lớn cơ sở nhỏ chọn cách xả thẳng ra kênh rạch, sông suối, gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, rất cần có giải pháp xử lý vấn đề này để đảm bảo môi trường cho địa phương. Để bắt đầu công việc với ước mơ đưa công nghệ xanh của bản thân, việc đầu tiên là xem xét lại công nghệ và kiến thức của bản thân có đủ để vươn ra khơi hay chưa.

Cùng với đó, để khởi nghiệp thành công thì trước hết phải thắng được suy nghĩ lo sợ thất bại của mình. Tiếp đó định hình lại những điều mình cần làm và vốn để chuẩn bị cho các hoạt động thời gian sắp tới.

- Để đạt được thành quả như hiện tại chắc chắn không thiếu những khó khăn, xin hỏi, hành trình của Vương đã gặp phải những khó khăn thế nào? Và bằng cách nào Vương đã vượt qua những thách thức đó?

Khó khăn lớn nhất chắc chắn phải là thiếu kinh phí thực hiện, thời gian dài dự án không có doanh thu dẫn đến việc vận hành và hoàn thiện rơi vào ngõ cụt. Khi thiếu vốn dẫn đến suy nghĩ có lúc bản thân không còn muốn tiếp tục.

a

Một Trung tâm giống xử lý do Công ty tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam đang triển khai xây dựng tại tỉnh Quảng Nam.

 

Để vượt qua những khó khăn, bản thân cố gắng hơn những tập trung truyền thông dự án và gặp nhiều doanh nghiệp hơn và mong rằng có thể triển khai được dự án. Khi đã có đơn vị triển khai mọi thứ dần ổn định lại và đam mê khởi nghiệp tiếp tục được khơi dậy.

- Xin Vương chia sẻ thêm về sản phẩm khởi nghiệp của mình (tiện ích, hiệu quả, các tính năng vượt trội,...), hiện nay, công nghệ này được áp dụng  vào những dự án nào, đã có nhiều doanh nghiệp đặt hàng sau những thành quả đạt được?

Hiện tại công nghệ đang được triển khai với tên AWT- Carbon (Xử lý nước và tính chỉ Carbon). Với công nghệ mới này có rất nhiều tiềm năng như vừa có khả năng xử lý nước nhưng vẫn tạo ra lượng sinh khối tảo vô cùng lớn có thể áp dụng vào việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón.

Không những vậy, công nghệ còn giúp tạo ra lượng khí O2 lớn do bản thân của vi tảo là loại thực vật và thay vì trồng nhiều câu thì chúng tôi phát triển vi tảo để thay thế. Công nghệ này hoàn toàn có khả năng xử lý nước thải chăn nuôi và nước thải chế biến thủy sản một cách triệt để.

Đặc biệt chúng tôi còn chuyển giao công nghệ cho các trang trại trồng trọt về giải pháp tạo ra phân bón hữu cơ từ tảo. Phân bón hữu cơ từ tảo hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dinh dưỡng và các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ cho trồng trọt.

Hiện nay chúng tôi đang làm việc với rất nhiều bên để chuyển giao công nghệ cho các mục tiêu nêu trên.

- Với quy mô của mình, xin Vương chia sẻ thêm về những thành quả đã đạt được trong thời gian qua?

Từ tháng 5/2022, khi dự án có những bước tiến triển tích cực thì bản thân tôi nghĩ đến việc thành lập Công ty, từ đó Công ty tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam ra đời nhằm tìm kiếm cộng sự và nguồn vốn với mong muốn đi xa trên hành trình khởi nghiệp. Doanh nghiệp được thành lập nhằm mục đích cung cấp giải pháp xử lý nước thải bằng công nghệ vi tảo với chi phí thấp, hiệu quả và tính tiện lợi cao; đóng góp cho ngành công nghệ xử lý nước thải xanh.

a

AWT- Carbon vừa có khả năng xử lý nước nhưng vẫn tạo ra lượng sinh khối tảo vô cùng lớn có thể áp dụng vào việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón.

 

Hiện nay AWT- Carbon đang có mặt tại 3 địa điểm gồm TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và sẵn sàng tham gia bất kỳ dự án nào trên Việt Nam. Với AWT - Carbon, Công ty tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam  đến nay đã phát triển với số lượng nhân viên là 23 người, doanh thu ước đạt khoảng 7 tỉ đồng/ năm.

Cùng với đó, phía doanh nghiệp cũng đã xây dựng một nhà máy sản xuất vi tảo làm thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP. Đà Nẵng.

- Trong thời gian tới, Quốc Vương đã có định hướng thế nào để tiếp tục phát triển sản phẩm của mình?

Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình trong việc bảo vệ môi trường và cung ứng các giải pháp xanh như chuyển giao công nghệ phân hữu cơ, xử lý nước kết hợp tín chỉ carbon, tư vấn trung hòa Carbon cho nhà máy với công nghệ vi tảo. Bằng khả năng của mình, tôi mong muốn được đóng góp điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương nhiều hơn.

TUẤN VỸ