'Công nghệ là nền tảng đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững' Startup Bình Phước
"
Image Slider
Tin tức & Sự kiện 'Công nghệ là nền tảng đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững'

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, sự kiện có vai trò thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn.

  • Chiều 29/9 sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Viet Nam 2023 khai mạc, thu hút sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất tìm hiểu các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tại sự kiện.

     

    vip-tour-1695976823-7051-1695976829.jpg

    Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 29-30/9 tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững". Chương trình được thiết kế với 7 hoạt động gồm các diễn đàn, hội nghị trao đổi thông tin về chủ đề kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình diễn sản phẩm và tiêu điểm công nghệ, kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu. Sự kiện có sự tham gia của gần 200 gian hàng của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

     

    box-logo-PVN-VIN-6960-1696393225.jpg
  • Lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành thăm các gian hàng công nghệ

    Trước phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh, các bộ, ngành thăm các gian hàng tại sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Viet Nam 2023. Năm nay triển lãm thu hút gần 200 gian hàng đến từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các Sở Khoa học và Công nghệ...

     

    khai-mac-1-2831-1695970994-jpe-8795-3151

    Các sản phẩm, công nghệ được trình diễn tại sự kiện gồm: vật liệu dệt may, da giày thông minh; chíp vi mạch và thiết bị điện tử; năng lượng xanh; logistics và chuỗi cung cứng; lưu trữ năng lượng; công nghệ quản lý và tái sử dụng nguyên vật liệu và chất thải. Bên cạnh đó là giải pháp mới trong năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sinh khối,...), hệ thống quản lý chuỗi cung ứng công nghệ và thiết bị y sinh; công nghệ thực phẩm và dược phẩm; y tế số; công nghệ thông tin...

    Khi tham quan các gian hàng, Phó thủ tướng đặc biệt lưu tâm về việc áp dụng vào thực tế của các sản phẩm và giá có thể cạnh tranh với thị trường. "Sản phẩm tốt, nhưng giá cũng phải thấp hơn ở thị trường nước ngoài mới được", Phó thủ tướng nói khi tham gian hàng giới thiệu xe ôtô của tập đoàn Thành Công.

    Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thăm các gian hàng tại sự kiện

     

     

     

    Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thăm các gian hàng tại sự kiện

    Phó thủ tướng và các đại biểu tham quan các gian hàng. Video: Lộc Chung

  • 14h17

    'Techconnect and Innovation 2023 thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ vào thực tiễn'

    Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện Techconnect and Innovation 2023, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

    Thời gian qua, chiến lược về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành đã và đang xây dựng và ban hành đồng bộ hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian bằng các hoạt động như: sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố lớn, hình thành các điểm kết nối cung cầu công nghệ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ và đổi mới sáng tạo thường niên nhằm kết nối, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn kết hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với sản xuất, kinh doanh.

     

    bo-truong-1695972708-7016-1695972931.jpg

    Năm 2023, sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững" là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiêp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.

    Ông cho rằng, sự kiện "Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo" được tổ chức là để trình diễn, giới thiệu xu hướng công nghệ mới, sản phẩm mới; kết nối cung và cầu công nghệ theo nhu cầu của địa phương, vùng kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

    Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ luôn nhận được sự đồng thuận, phối hợp của lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương trong hoạt động khoa học và công nghệ. Bộ trưởng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cùng các đơn vị liên quan, và đặc biệt biểu dương tinh thần tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học và công nghệ, các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc phối hợp tổ chức sự kiện này cũng như các hoạt động bên lề của sự kiện.

    "Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả và trở thành một sự kiện có ý nghĩa, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và các sở Khoa học và Công nghệ địa phương để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

  • 14h30

    Quảng Ninh kỳ vọng phát triển đột phá nhờ công nghệ

    Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong dịp chào mừng 60 năm thành lập tỉnh, tỉnh được bộ lựa chọn phối hợp tổ chức sự kiện. Hiện, địa phương đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, phát triển hiệu quả tiềm lực, hạ tầng, kiến tạo hành lang, phát triển kinh tế vùng và nội vùng song song với văn hóa.

    Quảng Ninh cũng trở thành một cực tăng trưởng của phía Bắc, có đà tăng trưởng GDP hơn hai con số trong nhiều năm, tính đến 2023. 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của tỉnh là hơn 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao.

     

    c4446cb2ada079fe20b1-jpeg-2296-169597359

    Tỉnh hướng tới phát triển trở thành tỉnh kiểu mẫu, trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước. Dựa trên các trụ cột thiên nhiên, con người, văn hóa, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp địa phương tạo ra năng suất lao động cao, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

    Qua sự kiện, ông mong tỉnh có thể nhận thêm nhiều sáng kiến, giải pháp, tư duy mới và đóng góp từ các doanh nghiệp. Địa phương cũng sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc hiệu quả.

  • 14h48

    Màn trình diễn nghệ thuật ứng dụng công nghệ sáng tạo

     

    chuyen-giao-cong-nghe-16959751-7908-5184

    Khuấy động không khí tại sự kiện là màn trình diễn đến từ vũ đoàn Homiez. Trong trang phục những robot - tượng trưng cho công nghệ, các vũ công đã thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ và chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

     

    hoi-truong-1695974145-16959741-2243-7953
  •  

  • 14h50

    Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới thất bại vì không theo kịp chuyển dịch công nghệ

    Tiếp theo chương trình là phiên tham luận về Đổi mới công nghệ, chuyển dịch năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước của ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

    Mở đầu bài phát biểu, ông lấy dẫn chứng về việc thất bại của các công ty hàng đầu thế giới, dù đã làm tốt năng lực quản trị, như Nokia... nhưng vẫn thất bại, bởi các doanh nghiệp không theo kịp sự chuyển dịch của khoa học công nghệ, làm mất vị thế, vai trò của mình. Cũng từ đó, khái niệm về sáng tạo đột phá ra đời.

     

    ccc-2485-1695975233.jpg

    PVN ra đời từ niềm tin và khát vọng đổi mới sáng tạo. Hơn sáu thập kỷ hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã đi từ không đến có, đạt nhiều thành tựu, đóng góp nhiều trong nghiên cứu khoa học, đạt nhiều giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ... Hiện tập đoàn đã xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, từ tìm kiếm thăm dò, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện... với đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước

    "Tuy nhiên là tập đoàn kinh tế hoạt động đa lĩnh vực, doanh nghiệp cũng chịu tác động mạnh bởi chuyển quá trình chuyển dịch năng lượng. Vì vậy, Tập đoàn cũng có mục tiêu và chiến dịch dịch chuyển phù hợp", ông nói.

    Cũng theo ông Sơn, năm 2023 nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhưng nhiên liệu hóa thạch chỉ đáp ứng 55% nhu cầu, các công ty dầu khí phải đối mặt với suy giảm nguồn cung, tăng áp lực phải giảm thiểu tác động của môi trường. Trong bối cảnh đó, các công ty đã có bước chuyển mình, tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, cam kết giảm phát thải nhà kính, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường.

    Ông lấy ví dụ về một số công ty dầu trên thế giới, đơn cử một công ty dầu khí của brazil đã đầu tư nhiều công nghệ tiên tiến như khai thác vùng biển nước sâu và siêu sâu, đa dạng hóa danh mục năng lượng. Một công ty dầu của Nauy đón dịch chuyển năng lượng, điện gió ngoài khơi, đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

    Thực tế, chuyển dịch năng lượng không chỉ khả thi mà còn có lợi cho các quốc gia nhưng đòi hỏi nhiều ứng dụng công nghệ, nguồn vốn đầu tư. Với công ty dầu quốc gia như PVN có thể không đủ nguồn lực như nhiều công ty dầu quốc tế, để tồn tại và phát triển, vì vậy doanh nghiệp phấn đấu giảm phát thải nhà kính 15% vào năm 2030, năng lực nhập khẩu năng lượng đạt 5 tỷ m3 vào 2045. Để thực hiện tập đoàn xây dựng chiến lược tổng thế đến 2045, chú trọng đổi mới công nghệ, dịch chuyển năng lượng.

    Bên cạnh đó là tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng thế mạnh về năng lực công nghệ hạ tầng để triển khai nhanh, hiệu quả, đem lại hiệu quả cho cả chuỗi, phục vụ ngành phát triển năng lượng, sử dụng hiệu quả quỹ năng lượng công nghệ, ứng dụng thực tiễn năng lượng mới, áp dụng chuyển đổi số để giảm mục tiêu phát thải môi trường; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, đầu tư năng lượng tái tạo: điện gió ngoài khơi; phát triển nhiên liệu sạch... Song song, doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp gắn liền với mục tiêu.

  • 15h03

    Doanh nghiệp coi công nghệ là nền tảng cho sự phát triển 

    "Ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo" là chủ đề tham luận của ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco).

    Theo ông, từ khởi điểm là hoạt động kinh doanh ôtô, 25 năm qua, Thaco Trường Hải đã phát triển mở rộng thành doanh nghiệp đa ngành, trong đó có nhiều ngành chính yếu của đất nước, có tính bổ trợ, mang lại giá trị cho xã hội, cho đất nước.

     

    thaco-7042-1695976426.jpg

    Một trong những thành tựu của Thaco Trường Hải là đẩy mạnh đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cũng tập trung nguồn lực để đầu tư cảng biển, cải thiện hạ tầng logistics để khắc phục khó khăn, với chủ trương đưa Chu Lai thành trung tâm phát triển ôtô. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư trong ngành nông nghiệp, gắn với cuộc cách mạng xanh

    "Thaco xác định công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng tất yếu, ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ và đã mang lại những hiệu quả tích cực", ông Phạm Văn Tài cho biết.

    Vị đại diện doanh nghiệp cho biết, riêng về mảng nghiên cứu phát triển R&D, Thaco Trường Hải có tới 1.500 kĩ sư, trong đó đến 500 kĩ sư tập trung nghiên cứu công nghệ mới sản phẩm mới, hợp tác các đối tác lắp ráp ô tô và xuất khẩu sản phẩm đến thị trường quốc tế.

    Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ trương nghiên cứu triển khai xe điện thương hiệu Thaco, cung cấp thị trường những sản phẩm giao thông xanh sạch; cùng nhiều loại hình sản phẩm xanh khác.

    Hàng năm, doanh nghiệp có hơn 200 đề tài sáng kiến với nhiều dự án được ứng dụng. Doanh nghiệp cũng chú trọng nuôi dưỡng nguồn nhân lực, tổ chức cho sinh viên thực tập, tạo nguồn tuyển dụng với chính sách tốt

    Trong bối cảnh hội nhập, Thaco áp dụng nhiều công nghệ, ứng dụng số hóa, phần mềm vào bán hàng và chăm sóc khách hàng, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo lộ trình phù hợp, cũng như ứng dụng quản trị hoạt động trong ngành giao nhận vận chuyển. "Chúng tôi cam kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội", lãnh đạo Thaco Trường Hải nói

  • 15h15

    Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia 

    Ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ tại chương trình với chủ đề "Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo".

     

    TS-Loi-3979-1695977180.jpg

    Ông cho biết, doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cung cấp và hỗ trợ đồng bộ trong hoạt động tìm kiếm đến ứng dụng, triển khai và đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở quy mô quốc gia.

    Phần lớn kết quả của khoa học công nghệ là đầu vào của quá trình đổi mới sáng tạo và các hoạt động đổi mới sáng tạo chuyển tri thức thành giá trị. Theo đó, nhóm doanh nghiệp quy mô lớn đi đầu, dẫn dắt doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ...; mâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, mở rộng quy mô hoặc phát triển sản phẩm mới dựa trên công nghệ, nâng cao thị phần, tính cạnh tranh.

    Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nhóm doanh nghiệp khoa học và công nghệ đóng vai trò thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, sáng chế...

    Cuối cùng, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, ý tưởng, mô hình kinh doanh mới.

    Bên cạnh đó, Phó viện trưởng nhấn mạnh, nhu cầu ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng cấp bách. Doanh nghiệp nên xác định xu hướng thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới, mục tiêu nâng cao năng xuất...; đồng thời, thực hiện ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cấp dây chuyền, thiết bị; áp dụng hệ thống, tiêu chuẩn quản lý mới.

    Để thực hiện các hoạt động này, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển, tư vấn giải pháp nâng cao, cung cấp thông tin, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ tài chính qua các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D)...

    Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có mức độ đổi mới sáng tạo rất lớn và R&D nhanh chóng.

    VKIST là cầu nối để chuyển giao công nghệ Việt Nam và Hàn Quốc. Dự án được đầu hơn 70 triệu đô từ hai quốc gia nhằm thực hiện các nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế, chia sẻ lợi nhuận và đảm bảo tính cạnh tranh.

    Trên thực tiễn, các vấn đề nghiên cứu hiện nay của Việt Nam đang tương đối cách xa với nhu cầu thị trường. Do đó, Viện hướng tới mục tiêu cần kéo ngắn khoảng cách này và đề xuất hướng mới, nghiên cứu mở về kỹ thuật và công nghệ.

    VKIST có 8 lĩnh vực nghiên cứu chính gồm: công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tích hợp, công nghệ năng lượng và môi trường, vật liệu tiên tiến, công nghệ thực phẩm và kỹ thuật y sinh.

    Trong đó, với Công nghệ sinh học, Viện hướng tới đưa dược liệu Việt Nam vươn tầm thế giới. VKIST đã có đơn xin cấp bằng sáng chế tại Hàn Quốc và Hàn Quốc cho nhiều giải pháp của mình.

    Trong lĩnh vực Cơ điện tử, VKIST cũng phát triển các động cơ có hiệu suất cao hay các giải pháp thông minh trong dịch vụ y tế, hỗ trợ chẩn đoán, y tế ảo... trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với Công nghệ tích hợp, đơn vị đưa ra nhiều giải pháp về cảm biến.

    Về Công nghệ môi trường năng lượng, Viện tập trung vào các nguyên tố đất hiếm và lithium hay tái chế nông sản thành các sản phẩm chất lượng cao.

    Theo tiêu chí kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học và thực tế, Viện cũng có giải pháp toàn diện để xử lý hiện trạng nước ngập mặn, nhiễm phèn, đã ứng dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

    Cuối bài tham luận, ông đề xuất tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

    Theo Phó Viện trưởng phụ trách VKIST, Việt Nam cũng cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.

    "Chúng ta cần chú trọng hơn vào hoạt động đánh giá trình độ năng lực công nghệ, xác định nhu cầu công nghệ và hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp, đồng thời, xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ", ông nói thêm.

  • 15h35

    Ký kết 8 hợp tác chuyển giao công nghệ

    Chương trình được tiếp nối với phần công bố và trao biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy công nghệ giữa nhiều tổ chức, đơn vị. Trong đó có bản kế hoạch triển khai được trao giữa Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Viện Phát triển Công nghệ Hàn Quốc.

    Thứ hai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đến từ hai đơn vị nước ngoài từ Mỹ và Italy cho Công ty Hóa dầu Stavian Quảng Yên. Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên được xây dựng trên diện tích 30 hecta với tổng mức đầu tư ước tính đến 1,5 tỷ USD và quy mô sản xuất 600.000 tấn Polypropylene một năm.

    Thứ ba, phần trao Hợp tác nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ôtô giữa Việt Nam - Hàn Quốc đến từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Viện nghiên cứu ôtô Hàn Quốc.

    Thứ tư, huyện đảo Cô Tô và Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sẽ có phần trao hợp tác phát triển các giải pháp chiếu sáng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đáp ứng định hướng phát triển "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững" huyện Cô Tô giai đoạn 2023 - 2025.

    Thứ năm, Tập đoàn BP, Anh Quốc và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh trao biên bản ghi nhớ về lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ điện gió.

    Thứ sáu, Hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phát triển theo hướng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc. Phần ký kết hợp tác này giữa hai đơn vị là Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hiệp hội kinh tế - văn hóa Hàn Quốc.

    Thứ bảy, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế và Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch trao biên bản chuyển giao công nghệ, dây chuyền thiết bị giết mổ và cấp đông gà ứng dụng công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng, công suất 400 con một giờ.

    Thứ 8 là lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo, thủy sản, gia cầm để thực hiện dự án trang trại nông nghiệp thông minh công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Biên bản ghi nhớ được thực hiện bởi Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh tỉnh Ninh Bình và Công ty TNHH Nongbu Sanchon C&G Hàn Quốc.

     

    ky-ket-1695978185-8600-1695978288.jpg
  • 15h48

    Thực hiện nghi thức ấn nút khai mạc

    Tiếp theo chương trình là nghi thức khai mạc chuỗi hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Viet Nam 2023.

    Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc gồm ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

     

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (bìa trái) cùng các đại biểu tham quan gian hàng công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (bìa phải), Thứ trưởng Bùi Thế Duy (bìa trái) và các đại biểu bắt đầu thăm các gian hàng giới thiệu công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại sự kiện chiều 29/9. Ảnh: Ngọc Thành

Hơn 1.000 người tham dự sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Phạm Văn Tài phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Vũ Đức Lợi nói về việc thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và các lãnh đạo chứng kiến bàn giao biên bản hợp tác. Ảnh: Ngọc Thành

  • khai-mac-sk-1695978568-4237-1695978685.j

    Các đại biểu nhấn nút khai mạc sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành